Họa sĩ Nguyễn Minh Sơn sinh năm 1971 tại tỉnh Bắc Ninh, tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) năm 2000. Trong quá trình học tập, họa sĩ Nguyễn Minh Sơn đã tham gia nhiều cuộc triển lãm ở Hà Nội từ năm 1996 đến năm 2000.
Trong 3 năm tiếp theo, ông tiếp tục tham gia nhiều cuộc triển lãm khác như triển lãm tranh ở Trung tâm Mỹ thuật Đương thời Hà Nội năm 2001-2002, triển lãm tại trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2002, triển lãm tại London. Tới năm 2004, họa sĩ Nguyễn Minh Sơn đã tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên tại khách sạn Hilton Hà Nội. Cuộc triển lãm này đã đón nhận nhiều tín hiệu tích cực, giúp ông tự tin hơn để tham gia nhiều cuộc triển lãm quốc tế cũng như tổ chức triển lãm cá nhân trong và ngoài nước từ đó đến nay.
Sinh ra và lớn lên ở xứ Kinh Bắc, cái tâm hồn mơ mộng, lãng tử của Nguyễn Minh Sơn được nuôi dưỡng từ những nét vẽ, mảng màu của tranh dân gian nổi tiếng Đông Hồ, kết hợp với kiến thức hội họa hiện đại qua những tháng năm học tập tại trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Nguyễn Minh Sơn sớm có ý thức tạo riêng cho mình một lối đi tương đối vắng trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật: lùi xa cái không khí náo nhiệt của “đất Thánh” Thăng Long – Hà Nội, nơi hội tụ các trường phái hội họa tân tiến nhất, Nguyễn Minh Sơn lặng lẽ quay trở về tìm và biểu hiện vẻ đẹp tĩnh lặng, đắm mình vào không gian trong lành nơi đồng quê.
Với lối vẽ bản năng, mang nhiều chất hội họa ngây thơ, mộc mạc, Nguyễn Minh Sơn đã tạo cho người xem nhiều tình cảm trong sáng và đồng cảm. Một không gian lành mạnh với bầu trời xanh, những lùm cây lá xanh, lá đỏ tùy theo mùa, những túp nhà đơn sơ, những con thuyền nhỏ… được ông biểu hiện với sắc màu cổ tích: Thực đấy mà hư cũng đấy. Nguyễn Minh Sơn ưa dùng những màu có tính mạnh mẽ như: đỏ, lam, vàng… , chỉ có từ hai đến ba màu nhưng là sự đối chọi của những màu nguyên sắc mà vẫn tìm kiếm được sự hòa điệu tinh tế và thú vị với con mắt trong nhạc cảm thật nồng nàn.
Trong tranh của Nguyễn Minh Sơn, không thấy hình ảnh con người, nhưng vẫn đầy không gian của sự sống vừa ẩn chứa, vừa phô bày. Sức sống đó thể hiện qua từng nét vẽ, nhát bút có vẻ vừa như cẩu thả, vừa như tính toán trong một bố cục thoạt nhìn tưởng như ngẫu nhiên, nhưng thực ra đã cân nhắc đến từng chi tiết. Đó cũng vừa là điểm mạnh vừa là điểm “nhấn” nội dung của Nguyễn Minh Sơn. Trong thế giới nội tâm thường nhật của ông dường như văn hóa Việt, tâm hồn Việt, phong cảnh Việt tự bao giờ đã là nguồn cảm hứng vô bờ cho tranh của mình. Bởi vậy, những bức tranh của Nguyễn Minh Sơn vẽ mà đôi khi chỉ qua những mảng cây cỏ hoa lá, biển trời hòa quyện người xem có thể cảm thấy Hà Nội nơi ông sống và những miền quê ông đã đi qua với tình cảm gần gũi mà tinh tế.
Vẽ phong cảnh để nói lên được tâm trạng là một trong những cách đạt tới chiều sâu hội họa. Tô Đông Pha nói: “Người ta vẽ không phải chỉ bó hẹp vào việc vẽ những sự vật nhìn thấy, mà còn phải biết khí vận của hình thể để đi tới cùng những biến hóa của chúng đưa vào tranh”. Với lối thể hiện ấn tượng hóa hiện thực và bằng những âm hưởng của màu sắc sống động kết hợp với những nhát bút mạnh mẽ đầy cảm xúc cho người xem cảm xúc trữ tình mà họa sĩ Nguyễn Minh Sơn muốn biểu đạt một cách khoe khoắn. Những phong cảnh hiện thực hay những ảo ảnh mà chúng ta nhìn thấy trong tranh của Nguyễn Minh Sơn chỉ là những nấc thang để cảm nhận và khám phá cái đẹp.
Tranh của Nguyễn Minh Sơn đã có những thành công bước đầu từ các cuộc triển lãm địa phương, triển lãm toàn quốc, triển lãm trong và ngoài nước (như trên đã nói)… điều mà không phải họa sĩ nào cũng có thể dễ dàng làm được. Khẳng định được tiếng nói riêng của mình, đã gặt hái được những thành quả lao động sáng tạo từ tác phẩm… Liệu đó có phải là nguồn động viên tích cực, hay đó lại cũng chính là một mối thách thức lớn đối với họa sĩ Nguyễn Minh Sơn? Các bạn hãy tự tìm câu trả lời cho riêng mình qua những bức tranh sơn dầu phong cảnh của Nguyễn Minh Sơn.